"Independence Day: Resurgence" - Tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên dòng phim thảm họa Roland Emmerich vừa ra mắt khán giả. Phim không thiếu những cảnh hoành tráng nhưng những tình tiết trong phim lại chưa đủ kịch tính để vượt qua được phần phim kinh điển đầu tiên.
Independence Day: Resurgence lấy bối cảnh thế giới 20 năm sau chiến tranh: nhân loại vẫn chưa nguôi hết những đau thương mất mát trong quá khứ và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến mới có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Con người đã học tập được những công nghệ mà người ngoài hành tinh để lại để tái thiết lại cơ sở hạ tầng, chế tạo ra các loại vũ khí mới. Song, tất cả chưa thấm vào đâu so với những gì họ sắp phải đối đầu. Những kẻ xâm lăng năm xưa đã trở lại cùng con tàu hủy diệt với sức mạnh áp đảo hoàn toàn. Liệu điều kỳ diệu có thể xảy ra?
Tháng 7 năm 1996, Independence Day được công chiếu. Đó không phải là lần đầu tiên người ta được thấy những kẻ ngoài hành tinh xâm lược trái đất trên màn bạc; đã có quá nhiều bộ phim lấy chủ đề này. Song, đó là lần đầu tiên khán giả được thấy một cuộc hủy diệt dữ dội tới vậy.
Những con tàu không gian khổng lồ thổi bay những tòa nhà chọc trời trong nháy mắt, những cơn bão lửa dữ dội tưởng như từ địa ngục. Hình ảnh Nhà Trắng bị nổ tung đã trở thành một trong những cảnh phim kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh.
Phân cảnh kinh điển ở phần một
Independence Day có được thành công vang dội ở phòng vé khi thu về 817,4 triệu USD doanh thu trên số tiền sản xuất 75 triệu USD. Điều đáng ngạc nhiên nhất là phải tận hơn 20 năm sau, phần tiếp theo của nó: Resurgence mới được ra rạp. Một khoảng thời gian quá dài để nền công nghiệp điện ảnh cho ra những tác phẩm hoành tráng không kém phần và làm khán giả trở nên ‘nhờn’ với những bộ phim nặng kỹ xảo. Đáng tiếc thay, tác phẩm của đạo diễn Roland Emmerich dù cố gắng tỏ ra dữ dội hơn, lớn hơn và đau thương hơn nhưng vẫn tụt lại quá xa so với người tiền nhiệm.
Một lỗi lầm "khó tha thứ" của phim là ôm đồm quá nhiều tình tiết và quá nhiều nhân vật. Trong khi phần trước tập trung vào hai nhân vật chính là nhà khoa học David Levinson (Jeff Goldblum) và anh chàng đại úy phi công Steven Hiller (Will Smith) thì phần này, khán giả sẽ mất không ít thời gian để phân định được ai là nhân vật chính.
Nhân vật nhà khoa học David Levinson và tổng thống Whitmore quay trở lại
Bộ phim mất tới gần 45 phút đầu để giới thiệu về các nhân vật mới như hai chàng phi công trẻ Jake (Liam Hemsworth) và Dylan Hiller (Jessie T. Usher) cùng mối hiềm khích còn dai dẳng từ quá khứ tới hiện tại của họ. Không dừng lại ở đó, kết nối với Jake và Dylan là hàng loạt nhân vật khác: người yêu, bạn chiến đấu, cha mẹ (khán giả cũng cần biết rằng dù Will Smith không xuất hiện bởi nhân vật của anh đã tử nạn trong một cuộc bay thử và Dylan chính là con trai của anh).
Liam Hemsworth vào vai anh chàng phi công Jake lắm tài nhiều tật
Phim dành một chút thời gian cho nhân vật này rồi một chút cho nhân vật khác với những màn chọc cười không mấy dí dỏm (cần phải nhấn mạnh rằng lạm dụng các tình huống hài sẽ làm không khí căng thẳng cần có bị giảm xuống). Khán giả bị phân tán bởi các mối quan hệ lằng nhằng một cách không cần thiết. Trong khi đó, điểm cốt yếu nhất là cuộc chiến chống lại người ngoài hành tinh lại được làm khá hời hợt và không sáng tạo.
Resurgence thiếu sự căng thẳng của một thảm họa hủy diệt. Hãy nhớ lại phần phim trước một chút. Những chiếc đĩa bay khổng lồ từ từ hạ cánh xuống trái đất không kèm bất kì hình thức liên lạc nào. Cả thế giới không rõ chúng đến vì mục đích gì, một số người tìm cách sơ tán, một số khác thì ăn mừng ngay dưới nơi chúng đang lơ lửng. Và đột ngột, những con tàu này bắt đầu khai hỏa. Những luồng ánh sáng chói lóa đổ xuống và bắt đầu tàn phá. Khán giả vừa thấy choáng ngợp vì sự hủy diệt nhưng cũng vừa cảm thấy sự đáng sợ trong những cảnh phim hoành tráng ấy. Không ai muốn mình phải chạy đua với những cơn bão lửa cả, dù chúng có đẹp đến đâu đi nữa. Đỉnh điểm là cảnh Nhà Trắng, nơi tưởng như bất khả xâm phạm bất ngờ bị thổi tung trong sự bất lực của người Mỹ.
Và, sau cả hai thập kỉ với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ làm phim nhưng Insurgence không thể nào lặp lại được cảm giác ép phê như năm xưa. Một phần vì khán giả đã quen thuộc với những cảnh hủy diệt thậm chí còn dự dội hơn trong các phim bom tấn như The Day the Earth Stood Still, War of the World, Knowing…
Bản thân đạo diễn Roland Emmerich đã có thêm hai lần hủy diệt loài người với The Day After Tomorrow và 2012 kể từ sau phần Independence Day trước. Chúng ta vẫn thấy dòng người chạy loạn, những tòa nhà bị nhấc bổng sau đó thả tung xuống; rồi một vài người phải thiệt mạng nhưng các cảnh này đều lướt quá nhanh.
Bản thân kịch bản cũng không đầu tư thời gian để khán giả có thể gây dựng được mối liên kết tình cảm với nhân vật bị thiệt mạng kia, và xúc động vì sự ra đi của họ. Cùng lúc đó, các nhân vật được giành nhiều thời gian nhất lại dễ dàng có được cái kết viên mãn không mấy ấn tượng. Chính sự dễ dàng đó chưa tạo được cảm giác hồi hộp và ép phê như khán giả kỳ vọng.
Với những khán giả dễ tính, Independence Day: Resurgence vẫn có thể là một bàn tiệc thú vị với phần hành động, kỹ xảo ấn tượng với đủ trai xinh gái đẹp. Nhưng với những fan của The Independence bản đầu tiên hay bất kì ai đòi hỏi chiều sâu ở một tác phẩm điện ảnh, phần 2 này là một bước lùi so với những gì khán giả kì vọng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét